Thứ 5, 25/2/2016 8: 55: 01 A.M

Hoạt động đoàn thể

Tỷ giá

Mua Bán
Nguồn: Vietcombank

Video - clips

Tin tức sự kiện

                 KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH

                         ĐỊA CHẤT VIỆT NAM (02/10/1945 - 02/10/2018)

        - Ngày 2/10/1945, Chính phủ đã thành lập Nha Kỹ nghệ trong cơ cấu của Bộ Quốc dân Kinh tế, sau này là Nha Khoáng chất - Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế và Bộ Công thương, đánh dấu sự ra đời của ngành Địa chất Việt Nam để triển khai công tác điều tra cơ bản về địa chất, phục hồi hoạt động khai thác khoáng sản ở các mỏ, góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.  

        - Sau ngày hòa bình lập lại, ngày 28/3/1956, Sở Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp đã được thành lập, sau đổi tên thành Cục Địa chất, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu về lĩnh vực địa chất.

        - Ngày 26/7/1960, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 18/TCT về việc thành lập Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sự ra đời của Tổng cục Địa chất đã tạo ra một bước đột phá mới, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã hoàn thành, các mỏ cũ đã được điều tra, thăm dò mở rộng, nhiều mỏ mới đã được phát hiện, tạo cơ sở cho ngành khai khoáng hình thành và phát triển. Tiền thân của ngành Dầu khí cũng được bắt đầu từ đây.

         - Năm 1975, ngay sau ngày thống nhất hai miền Nam Bắc, ngày 3/9/1975 đã đánh dấu một bước phát triển mới của ngành Dầu khí - Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập trên cơ sở Liên đoàn địa chất 36 và một bộ phận thuộc Tổng cục Hoá chất. Một năm sau ngày thành lập, ngày 25/7/1976, ngành Dầu khí đã phát hiện dòng khí thiên nhiên đầu tiên tại giếng khoan số 61 ở xã Đông Cơ - huyện Tiền Hải - Thái Bình.

        - Ngày 1/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 166/HĐBT thành lập Tổng cục Mỏ và Địa chất. Theo Quyết định nêu trên, ngoài các nhiệm vụ chuyên ngành về địa chất, Tổng cục còn có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành Mỏ và địa chất; theo đó, công tác quản lý về khai thác, sử dụng khoáng sản đã được chú trọng. Có thể nói đây là giai đoạn đỉnh cao trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Địa chất Việt Nam.

        - Năm 1990 đã thành lập Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, sau này là Bộ Công nghiệp. Một số đơn vị địa chất cũng đã được tách ra để hình thành các doanh nghiệp Nhà nước, như Công ty Địa chất, Tổng công ty Vàng và Đá quý Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam.

        - Ngày 4/12/1996, Chính phủ đã có Nghị định số 79/CP về việc thành lập Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp.

        - Tháng 11/2002, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chuyển sang thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến năm 2008, một số đơn vị thuộc Cục được tổ chức lại, như Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển được chuyển sang trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; các đơn vị địa chất thủy văn và địa chất công trình đã được chuyển sang Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Trắc địa được chuyển sang Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.

        - Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản và đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16/8/2010, trong đó đã quyết định thành lập Tổng cục Địa chất và Khoáng sản trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

        - Trong 73 năm xây dựng và phát triển, ngành Địa chất đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ và các nhà địa chất Liên Xô, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Ba Lan, Bulgari, Hungari, Rumani, ... và các nước Đông Nam Á. Đồng thời, trong mọi hoàn cảnh gian khổ, khó khăn, cán bộ công nhân viên ngành Địa chất đã nhận được sự đùm bọc thương yêu của chính quyền, đồng bào khắp mọi miền đất nước. Đó là những điều kiện và cũng là sự động viên vô giá của chính quyền và đồng bào trên mọi miền của đất nước, cùng các bạn bè quốc tế để ngành Địa chất Việt Nam phát triển và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc như ngày hôm nay. Các nhà địa chất Việt Nam đã tạo được hình ảnh đẹp đẽ về tính tích cực và trung thực trong khoa học, đoàn kết, phối hợp với nhau chặt chẽ, tạo nên mái nhà chung của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên địa chất trên toàn quốc.

        - Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 718/QĐ-T.Tg ngày 21/5/2010 về việc lấy ngày 02/10 hàng năm là ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam.

          TRUYỀN THỐNG CÔNG TY CỔ PHẦN ĐỊA CHẤT MỎ - TKV 

         Công ty Cổ phần Địa chất mỏ - TKV tiền thân là Đoàn thăm dò 9 được thành lập ngày 01 tháng 9 năm 1958 thuộc Sở Địa chất, Bộ Công nghiệp trước đây nay là Bộ Công thương, trải qua quá trình xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi;

        Hơn nửa thế kỷ qua, theo yêu cầu của cách mạng đoàn thăm dò Địa chất 9 đã từng bước xây dựng và trưởng thành. Lớp lớp những công nhân, cán bộ địa chất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cả trong thời bình cũng như thời chiến và trong sự nghiệp đổi mới Đất nước.

        Từ đoàn thăm dò Địa chất 9 làm nhiệm vụ ở khu mỏ Hồng Gai - Cẩm Phả đã phát triển thành Liên đoàn Địa chất 9 làm nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò than toàn bể than Quảng Ninh, có kết hợp tìm kiếm thăm dò một số khoáng sản có trong khu vực. 60 năm qua công ty đã thi công, thành lập hơn 500 phương án, báo cáo Địa chất các loại, nghiên cứu tìm kiếm thăm dò khoáng sản, với khối lượng trên 2,8 triệu mét khoan, đào trên 1,5 triệu mét hào thăm dò.... Thành lập Bản đồ Địa chất 1/50.000 - 1/25.000 và tỷ lệ 1/5000 đã được thành lập cho toàn bể than Quảng Ninh, bản đồ Địa chất tỷ lệ 1/2000 được thành lập cho hầu hết các khoáng sàng Than đang được khai thác. Đó là cơ sở tin cậy cho công tác thăm dò khai thác phục vụ thiết kế khai thác các mỏ than.

        Những đóng góp của lớp lớp các thế hệ CBCNVC Công ty trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Địa chất. Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều các phần thưởng cao Quý, vinh dự nhà nước cho tập thể, cá nhân của Công ty trong quá trình hình thành và phát triển.

        + Phần thưởng cao quý

        - Huân chương lao động các Hạng: Nhất, Nhì, Ba

        - Huân chương Độc lập các hạng: Nhất, Nhì, Ba

        + Vinh dự nhà nước:

        - Đơn vị Anh hùng Lao động - Đoàn Địa chất 906 nay là XN Địa chất Đông Triều (1985). 

        - Đơn vị Anh hùng Lao động - Công ty TNHH MTV Địa chất mỏ - Vinacomin (2011).

       - Cá nhân: Anh hùng Lao động - Thợ khoan thăm dò Nguyễn Xuân Quý (2000). Các chiến sỹ thi đua toàn quốc (Phạm Đăng Tạn, Lê Thanh Tịnh, Vũ Văn Đông) và nhiều phần thưởng cao quý, vinh dự khác.

        Có được những thành tích như ngày hôm nay, tập thể CBCNVC, người lao động Công ty CP Địa chất mỏ không thể quên được những đóng góp, hy sinh của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, biết ơn và ghi nhận những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển của Công ty.

        Tiếp tục phát huy, kế thừa những truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh đi trước tập thể CBCNVC người lao động Công ty Cổ phần Địa chất mỏ - TKV luôn đoàn kết, vượt mọi khó khăn gian khổ, tiếp tục xây dựng Công ty phát triển bền vững trong sự nghiệp đổi mới của đất nước cũng như của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam./.

                                                                            

Tin bài: KSĐC. Nguyễn Mạnh Cường 

Các tin liên quan:

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐỊA CHẤT MỎ - TKV
Địa chỉ: Số 304 Đường Trần Phú, Phường Cẩm Thành, Thành phố Cẩm Phả, Tỉnh Quảng Ninh. 
Ðiên thoại: 0203.3715066 - 0203.3862453 - Fax: 0203.3715067
Email:
diachatmo@gmail.com